Việc các trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple tại Việt Nam sẽ từ chối bảo hành iPhone xách tay, tưởng chừng chỉ là thay đổi nhỏ, nhưng lại cho thấy vấn đề lớn của "Táo cắn dở": Đặt tiêu chí kết quả kinh doanh lên trên cả phục vụ khách hàng.
Vào trung tuần tháng 11/2016, thời điểm iPhone 7 và iPhone 7 Plus bắt đầu được bán chính hãng tại thị trường Việt Nam, trong nước đã xuất hiện thông tin "iPhone 7 xách tay cũng sẽ được bảo hành như hàng chính hãng ".
Dù chính sách này chưa từng có tiền lệ và không được xác nhận rộng rãi bởi Apple, nhưng ngay sau đó đã một số đơn vị ủy quyền của Apple như FPT Services, Thakral và Futureworld đều cho biết có dịch vụ hỗ trợ cho iPhone 7 xách tay.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện hệ thống bán lẻ này xác nhận, không chỉ iPhone 7/7 Plus, mà từ trước tới nay (kể từ khi Apple có đơn vị ủy quyền tại Việt Nam), iPhone xách tay vẫn được "hỗ trợ" bảo hành như hàng chính hãng.
Sở dĩ nói "hỗ trợ" là bởi chính sách nói trên vốn không được các đơn vị ủy quyền quy định thành văn bản, và cũng không được phổ biến tới rộng rãi người dùng trong nước.
Ngoài ra, số model iPhone được Apple hỗ trợ cũng có hạn chế, nghĩa là chỉ một số mã máy tới từ các thị trường như Hong Kong, Singapore mới được chấp thuận bảo hành.
Mặc dù vậy, nó cho thấy không ít thì nhiều, Apple vẫn đang âm thầm hỗ trợ người dùng iPhone Việt Nam, dù vấn đề này không được công ty truyền thông rộng rãi để tránh tạo áp lực cho nhà phân phối. Việc bảo hành iPhone xách tay tỏ ra đặc biệt hơn tại một thị trường như Việt Nam, nơi lượng iPhone rất phổ biến.
Không cần biết khách hàng mua iPhone ở đâu, chỉ cần đó là iPhone của Apple, họ sẽ được bảo hành. Vì xét cho cùng, iPhone dù là xách tay hay chính hãng, cũng vẫn là sản phẩm do Apple sản xuất và bán ra. Bảo hộ cho iPhone, cũng là Apple tự bảo hộ cho hình ảnh của chính mình.
Việc hy sinh lợi ích của các nhà phân phối (vốn không được lợi gì – thậm chí là thiệt hại từ iPhone xách tay, nhưng vẫn phải tốn thêm chi phí bảo hành cho những sản phẩm mình không bán) giúp Tim Cook truyền tải thông điệp chủ đạo của Apple: quyền lợi của người tiêu dùng là số 1. Chính lòng tin vào dịch vụ và sản phẩm mới là giá trị cốt lõi quan trọng nhất mà Apple đã xây đắp với khách hàng bấy lâu nay.
Mặc dù vậy, chỉ chưa đầy nửa năm sau, Apple bất ngờ quay ngoắt 180 độ. Cụ thể, theo quy định mới, các trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple tại Việt Nam sẽ không bảo hành iPhone xách tay nếu khách hàng không xuất trình được hóa đơn mua bán hợp lệ.
Quay lưng với iPhone xách tay, Apple đang cho thấy họ đang quay lưng với người tiêu dùng, chuyển sang “bảo hộ” nhà phân phối của mình
Ở khía cạnh kinh doanh, có thể thấy động thái ngừng hỗ trợ bảo hành các dòng iPhone xách tay của Apple là phương án đảm bảo lợi nhuận cho các nhà phân phối. Như đã nói ở trên, các nhà phân phối không thu được tiền từ những chiếc iPhone xách tay, vì vậy cũng không mặn mà gì với việc bảo hành chúng.
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ di động Việt Nam được dự báo chỉ tăng trưởng một con số ở những năm sắp tới, hành động bảo hộ cho các kênh phân phối có thể xem là chiến lược giúp Apple đảm bảo được lợi nhuận cao - vốn đang bị ăn mòn bởi iPhone xách tay không chính ngạch.
Tuy nhiên, hành động tưởng chừng nhỏ đấy lại cho thấy quan điểm của Apple đang có dấu hiệu “xoay chiều”. Nếu từ trước đến nay, quan điểm của Apple đặt khách hàng lên vị trí đầu tiên thì nay, khách hàng đã được đưa xuống số 2, nhường số 1 cho nhà phân phối – những người mang về lợi ích trực tiếp cho Apple.
Nó cũng đồng nghĩa Tim Cook đang tự tay phá bỏ cái tốt nhất của Apple. Đó là niềm tin của khách hàng vào chất lượng dịch vụ, thứ một doanh nghiệp phải mất cả thập kỷ xây dựng để có được.
Khách hàng bỏ ra một khoản tiền lớn mua iPhone không chỉ vì đó là một chiếc điện thoại tốt, mà còn bởi nó mang tới những trải nghiệm tuyệt vời, bao gồm cả dịch vụ. Thế nhưng, có thể từ nay người tiêu dùng sẽ nghĩ khác.
Hãy nhìn ngay sang Samsung với sự cố Galaxy Note7, người Hàn Quốc vốn bảo thủ là thế, vẫn sẵn sàng chấp nhận hỗ trợ cho cả smartphone mua xách tay tại Việt Nam.
Trong khi Samsung đang ngày một tỏ ra linh hoạt, biết cách chiều chuộng người dùng, thì Apple lại thụt lùi. Đặt tiêu chí kinh doanh lên hàng đầu, Apple đang không còn là “Apple của ngày hôm qua” nữa.
Và ai cũng biết, niềm tin cần hàng chục năm để tạo dựng, nhưng để đập bỏ thì rất nhanh…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét