Các công ty mạng xã hội như Facebook và Google có thể bị phạt tối đa 53 triệu USD tại Đức nếu không gỡ bỏ phát ngôn thù địch và tin giả mạo nhanh chóng.
Nội các Đức hôm 5/4 vừa thông qua kế hoạch phạt tiền các công ty mạng xã hội nếu không xử lý kịp thời các bài đăng có nội dung thù địch hoặc tuyên truyền tin giả. Dự thảo vẫn cần Quốc hội và các cơ quan khác đánh giá trước khi trở thành luật chính thức.
Theo Bộ trưởng Tư pháp Heiko Maas, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm khi nền tảng của họ bị lạm dụng để truyền bá phát ngôn xấu và tin xuyên tạc. Ông cho rằng các công ty phải sắp xếp quy trình khiếu nại để cho phép những nội dung như vậy được xóa bỏ ngay. Họ có 24 giờ để gỡ bỏ bài viết vi phạm luật của Đức sau khi bị người dùng báo cáo. Những nội dung vi phạm khác phải được xóa trong thời hạn 7 ngày.
Theo luật của Đức, mạng xã hội được yêu cầu gỡ nội dung phạm pháp ra khỏi website ngay khi biết về vấn đề này. Mức phạt mới nhằm bảo đảm họ tuân thủ pháp luật.
Facebook, Twitter, Microsoft và YouTube hồi tháng 5/2016 đã đưa ra cam kết lớn trước công chúng sẽ đánh giá phần lớn nội dung bị người dùng báo cáo trong 24 giờ. Bất kỳ bài đăng phân biệt chủng tộc, bạo lực hay phạm pháp nào đều bị xóa. Tuy nhiên, nhà chức trách Đức nhận định họ chưa đạt được mục tiêu đề ra. “Vấn đề của chúng ta là có quá ít nội dung phạm tội được mạng xã hội xóa”, ông Maas nói.
Ông dẫn một nghiên cứu của Jugendschutz, cơ quan bảo vệ thanh thiếu niên trên Internet, rằng Facebook chỉ xóa 39% nội dung được báo cáo. Facebook từng thừa nhận “rất khó để xóa nội dung bất hợp pháp” khỏi nền tảng và đang hợp tác với các bên khác để giải quyết vấn đề.
Trong một thông cáo, Facebook nói “luật này buộc các công ty tư nhân trở thành người phán xử cái gì vi phạm pháp luật tại Đức thay vì tòa án”.
Theo CNN, dự luật dự đoán được thông qua nhanh chóng. Theo ông Maas, chính phủ muốn dự luật trở thành luật chính thức trước cuộc bầu cử tháng 9.
Trong quá khứ, các nhà hoạt động và hãng công nghệ chỉ trích kế hoạch vì cho rằng nó sẽ làm hại tự do ngôn luận. Song ông Maas nói tự do ngôn luận có “ý nghĩa to lớn” trong nền dân chủ Đức. “Ngay cả những lời nói xấu xí, phỉ báng - thậm chí là lừa gạt đều được ngụy trang dưới hình thức tự do ngôn luận. Dù vậy, tự do biểu đạt kết thúc tại điểm bắt đầu của luật pháp… bất kỳ ai truyền bá nội dung phạm pháp trên Internet đều phải bị truy tố và trừng phạt một cách nhất quán”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét