Mua không phải vì giá rẻ, người Hà Nội gọi nhau giải cứu xuyên đêm là để ủng hộ nông dân Hải Dương vượt qua khó khăn. Trong một ngày đêm đã giải cứu 250 tấn rau xanh, 10 vạn quả trứng...
Kéo nhau đi mua hàng giải cứu xuyên đêm
Hơn 8 giờ sáng, chị Ngô Thanh Thủy - đầu mối bán nông sản giải cứu ở Giải Phóng (Hà Nội) chia sẻ: “Điểm này còn 3 tấn cà chua nữa là hết hàng và chờ chuyến tiếp. Từ đêm qua tới giờ đã bán được 37 tấn gồm cà chua, bắp cải, su hào, súp lơ, cà rốt, hành và ổi”.
Theo chị, thời tiết đang nóng ấm, rau màu không để được lâu, không tiêu thụ nhanh sẽ hỏng hết. Đây cũng là lý do mà nhóm của chị đang làm việc ngày đêm để chuyển các chuyến rau củ quả lên Hà Nội bán.
Hôm qua có 6 xe tải chở được 40 tấn rau các loại từ Hải Dương lên. Đến điểm tập kết ở Quế Võ (Bắc Ninh) thì dừng lại để chuyển hàng sang xe Hà Nội đảm bảo phòng dịch bệnh Covid-19. Các xe rau về đến Giải Phóng từ đêm qua, chị cho bốc hàng xuống bán luôn, bởi lượng hàng lớn không thể chất đống trên vỉa hè ảnh hưởng tới giao thông trên đường.
“May mắn là được người dân ủng hộ ra mua hàng giải cứu cả đêm. Nhờ đó, sáng nay gần 40 tấn hàng được tiêu thụ gần hết”. Chị nói và cho biết, hiện có 40 tấn nông sản, trong đó có 20 tấn rau củ quả các loại, 20 tấn ổi của bà con Hải Dương đang trên đường lên Hà Nội. Sau khi thông qua các chốt kiểm dịch thì chiều và tối nay sẽ có mặt ở điểm này để bán giải cứu.
Chị Lưu Hồng ở Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị cũng đang bán nông sản giải cứu cho bà con nông dân ở Hải Dương.
Theo đó, mấy ngày trở lại đây, cứ một ngày có 3 xe nông sản (mỗi xe 5 tấn) chuyển từ Hải Dương lên Hà Nội. Chị cho tập kết tại 2 điểm là ở nhà chị và Hà Đông để bán giải cứu. Trong đó, đa phần khách tới trực tiếp mua hàng, còn khách đặt mua online thì chị gọi shipper để giao hàng.
“Thường thì mỗi đêm 3 xe gom nông sản sẽ tập kết về đến Hà Nội khoảng 15 tấn. Sau đó mình sẽ bán từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều là đã hết chỗ nông sản trên, bởi được rất nhiều khách tới mua ủng hộ. Vì bán hết nhanh nên từ chiều nay mình quyết định lấy thêm 1 xe nông sản nữa để bán giúp bà con vùng dịch”, chị nói.
Những ngày này ở Hà Nội, các điểm giải cứu nông sản được mở bán nhiều hơn. Còn người dân Thủ đô cũng đang gọi nhau chung sức mua hàng ủng hộ để giúp bà con nông dân Hải Dương vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Chị Hoàng Thị Hải Phương ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) – đầu mối đứng ra gom mua hàng giải cứu cho mọi người ở khu chung cư chia sẻ, ở khu chung cư này nhiều người có nhu cầu mua ủng hộ nên chị đứng ra làm đầu mối gom đơn giúp. Sau khi gom đơn xong thì ra điểm giải cứu mua rồi chở về chia cho mọi người.
Thực ra, mọi người mua không phải vì giá rẻ đâu, mua ở đây là để ủng hộ bà con nông dân Hải Dương lúc này. Bởi, có những gia đình chỉ 2-3 người nhưng đặt mua 1 bịch cà chua 5kg, bịch ổi 10kg, 20 củ su hào, 1 bịch cà rốt, trứng đặt 50 quả, bắp cải 5 cái.
“Chẳng tủ lạnh nào có thể chứa được hết số hàng này, nhưng ai cũng cố giúp đỡ để bà con nông dân ở dưới Hải Dương không phải đổ bỏ rau màu của mình thôi”, chị Phương nói.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Vũ Việt Anh – Phó giáo đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương thông tin, ngày hôm qua có khoảng 250 tấn rau củ quả, hơn 10 vạn quả trứng gà, 2 vạn con gà thịt… được các doanh nghiệp, đơn vị mua giải cứu giúp nông dân Hải Dương, trong đó chủ yếu là đi Hà Nội.
“Tối ngày hôm qua, lượng lớn nông sản nữa cũng được vận chuyển từ Hải Dương đi Hà Nội để bán giải cứu”, ông cho hay.
4.000 tấn rau xanh đến kỳ thu hoạch, 700 ngàn con gà chờ bán
Ông Vũ Việt Anh cũng cho biết, hiện Hải Dương còn hơn 4.000 tấn rau củ quả các loại của bà con nông dân đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa bán được. Số lượng này trong ít ngày nữa mà không tiêu thụ được thì hỏng hết. Ngoài ra, còn khoảng 700 ngàn con gà thịt đã đến lứa xuất chuồng đang chờ người mua.
“Nếu các tỉnh khác cũng tạo điều kiện như Hà Nội thì chỉ trong thời gian ngắn là tiêu thu hết nông sản. Nhưng nhiều chốt kiểm dịch đang làm chặt quá, xe không qua được”, ông cho hay.
Những ngày này anh Nguyễn Văn Quân ở xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) đứng trước nguy cơ trắng tay nếu không su hào không được thu hoạch và bán kịp thời.
Anh cho biết, gia đình mình trồng 10 mẫu su hào, hiện còn tồn tới 27 vạn củ. Nếu không thu hoạch kịp thời thì chỉ khoảng 1 tuần nữa 18 vạn củ sẽ buộc phải chặt bỏ.
Không riêng nhà anh Quân, trên địa bàn xã Ngọc Kỳ còn khoảng 43ha rau màu đến kỳ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được vì dịch bệnh Covid-19.
Anh Nguyên Đình Sáng ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc, Hải Dương) cho biết, do dịch bệnh, nhiều tiểu thương các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh đã không sang thu mua rau, củ quả khiến một lượng lớn bị tồn, người dân phải chặt bỏ vứt đi như su hào, súp lơ do quá thời gian thu hoạch.
Nhiều vựa rau xanh ở Hải Dương, người nông dân đang xót xa nhìn nhìn súp lơ bung nở hoa, bắp cải nứt toác, cà chua chín đỏ rực ngoài đồng, còn su hào phải chặt bỏ đầy ruộng vì ế ẩm không có người mua.
Các địa điểm giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương 1, Số 5 phố Trần Kim Xuyến, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy 2, Số 3 phố Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình 3, Chung cư Gemek Tower 1 và Gemek 2 (Cổng chào Thiên Đường Bảo Sơn - Lê Trọng Tấn giao Đại Lộ Thăng Long, Nam An Khánh) 4, I01-Liền Kề 05, Khu đô thị Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông 5, Lô 6B cuối Ngõ 110 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu 6, CT12C - Khu đô thị Kim Văn Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai 7, 22 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm 8, Số 38 đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai 9, Số 39 phố Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy 10, Số 80 phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng 11, Số 28 Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy 12, Khu dân cư 88 Láng Hạ, quận Đống Đa |
Tâm An - Thảo Nguyên
Ảnh: Phạm Hải
0 nhận xét:
Đăng nhận xét