"Đuổi" xong Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim khai trương một loạt cửa hàng trong Big C

Nguyễn Kim khai trương một loạt 14 cửa hàng, trong đó 8 cửa hàng shop-in-shop hoạt động trong Big C và 6 trung tâm quy mô lớn 1.500 đến 2.500m2.

    "Đuổi" xong Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim khai trương một loạt cửa hàng trong Big C
    Khai trương 8 trung tâm shop-in-shop trong Big C sau khi "đuổi" Thế Giới Di Động
    Theo tin từ Nguyễn Kim, chuỗi cửa hàng điện máy này đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động thêm 14 trung tâm.
    Nguyễn Kim cho biết, trong số 14 trung tâm được khai trương, có 6 trung tâm quy mô từ 1.500 đến 2.500m2. Còn lại 8 trung tâm hoạt động theo mô hình shop-in-shop với diện tích trung bình 300m2. Các trung tâm này nằm trong hệ thống Big C, trực thuộc Central Group Việt Nam.
    Trong tháng 11, Central Group đã tuyên bố đầu tư khoảng 30 triệu USD để nâng cấp 13 trung tâm bán lẻ Big C (trong tổng số 34 siêu thị trên toàn quốc), thành các trung tâm thương mại lớn hơn về quy mô và diện tích.
    Trước đó, sau khi Big C về tay Central Group của người Thái, Big C đã đuổi toàn bộ 22 cửa hàng của Thế Giới Di Động ra khỏi hệ thống hồi tháng 8 vừa qua.
    Tuy nhiên, Thế Giới Di Động cho biết họ không hề tiếc nuối 22 cửa hàng này, bởi 22 cửa hàng này đóng góp tỷ trọng nhỏ so với 1.000 cửa hàng bên ngoài, nên không có tác động đáng kể nào đến sự tăng trưởng doanh thu của công ty trong tháng 8.
    Thế Giới Di Động cho biết, 22 cửa hàng này chỉ đóng góp 0,27% doanh thu toàn hệ thống Thế Giới Di Động, tương ứng mức trung bình chỉ 440 triệu đồng/tháng hay 15 triệu đồng/ngày. Trong khi đó, trung bình của toàn hệ thống thegioididong.com là 3 tỷ đồng/tháng, tương đương khoảng 100 triệu đồng/ngày, cao gấp 7 lần so với các cửa hàng trong Big C.
    Giám đốc Marketing của Thế Giới Di Động từng nhận xét, Thế Giới Di Động phải rút ra khỏi hệ thống của Big C do bán mặt hàng giống với Nguyễn Kim. "Tôi nghĩ động thái này không có gì to tát vì đó mới là kinh doanh. Kinh doanh thì có cạnh tranh và có những quy định riêng. Trước đây, công ty thỏa thuận với Big C để được vào đó bán. Khách hàng vào đó sắm đồ có thể ghé coi điện thoại, mua card điện thoại. Giờ Central Group cũng bán những mặt hàng giống của chúng tôi nên chúng tôi phải rút", ông Đặng Thanh Phong nói.
    Shop-in-shop của Nguyễn Kim có thất bại như Shop-in-shop của Thế Giới Di Động?
    Đánh giá về mô hình shop-in-shop, ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế giới Di động từng cho biết, cửa hàng của công ty ông trong mô hình "shop in shop" không hiệu quả bằng các cửa hàng bên ngoài.
    Nguyên nhân là do, việc mua điện thoại không phải như mua cái áo. Mua điện thoại số tiền lớn nên người ta phải để dành, tùy theo thu nhập của từng người. Số tiền đó cần chuẩn bị trước, chứ không phải đi lang thang, thích thì mua. Tủ lạnh, TV, xe, điện thoại là số tiền có giá trị lớn. Đó là quyết định họ phải chuẩn bị trước, không thuộc kiểu đi lang thang trong trung tâm thương mại rồi thấy thích thì mua.
    "Khi họ (người tiêu dùng - PV) đã chuẩn bị thì họ không làm theo kiểu thấy thì mua. Còn một người đã có kế hoạch trước, chạy đến cửa hàng của Thế giới Di động thì họ đã có kế hoạch rồi. Vì vậy, tôi cho rằng còn lâu lắm, shop in shop mới được như shop ở bên ngoài", doanh nhân họ Nguyễn nói.
    CEO của Thế giới Di động nói thêm, ở nhiều nước thì khác, thu nhập của họ 10.000 USD/tháng nên họ có thể theo kiểu hứng lên thì mua.
    "Các bất tiện như phải thanh toán chung với các mặt hàng khác có nhưng không đáng kể. Nếu khách hàng ở đó mua hàng của Thế giới Di động rất nhiều thì chúng tôi cũng sẽ có cách khắc phục bất tiện này. Mấu chốt là các sản phẩm như điện thoại hay tủ lạnh, TV họ phải có kế hoạch tài chính trước, không phải như mua một đôi dép hay bộ quần áo", ông Tài chia sẻ thêm.
    Share on Google Plus

    About kinh doanh và công nghệ

    This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
      Blogger Comment
      Facebook Comment

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét