Cổ phiếu Sabeco sẽ tạo sóng trên HOSE?

Sau 8 năm mong chờ, nhà đầu tư, đặc biệt là các tổ chức ngoại đối với Sabeco đã được đáp ứng. Khi ngày 6.12, cổ phiếu Sabeco sẽ chính thức niêm yết trên sàn HOSE với mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu tương đương lượng vốn hóa hơn 70.000 tỉ đồng, lớn thứ 5 trên sàn HOSE sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas và Vingroup. Dự kiến, sau khi lên sàn, Bộ Công Thương sẽ thoái vốn khỏi Sabeco theo 2 đợt: đợt 1 thoái 53,59% vốn ngay năm 2016; đợt 2 sẽ bán tiếp 36% còn lại trong năm 2017.

    Cổ phiếu Sabeco sẽ tạo sóng trên HOSE?
    Hiện tại đang có nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã bày tỏ ý định muốn có Sabeco như Công ty bia Heineken, Anheuser-Busch InBev, SABMiller, Asahi Group Holidings, Kirin Holdings. Tập đoàn Singha cũng không nằm ngoài cuộc chơi, sau khi đã bỏ ra 1,1 tỉ USD mua cổ phần của Masan Brewery và Masan Consumer Holdings, đơn vị đang sở hữu nhãn hàng bia Sư Tử Trắng vào năm ngoái.
    Sự thèm khát của các doanh nghiệp ngoại cũng là điều dễ hiểu. Doanh thu của Sabeco năm 2015 lên đến hơn 27.000 tỉ đồng, lợi nhuận ròng vào khoảng 3.600 tỉ đồng, dẫn đầu thị trường bia Việt Nam với hơn 40% thị phần. Trong khi đó Công ty Heineken Việt Nam chiếm vị trí thứ 2 với 21%, Habeco đứng thứ 3 với 19,62%. Như vậy, chiếm được Sabeco hoặc Habeco sẽ là con đường tắt để các tập đoàn vươn lên vị trí dẫn đầu một trong những thị trường cạnh tranh sôi động nhất khu vực.
    Trong khi đó, báo cáo tài chính của công ty mẹ quý III/2016 của Sabeco cho thấy doanh thu thuần đạt 7.043 tỉ đồng, riêng mặt hàng bia chiếm 86%, gấp 3,6 lần so với cùng quý năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp còn 1.127 tỉ đồng, gấp hơn 5 lần so với mức 207 tỉ đồng của cùng kỳ năm 2015.
    Trước Sabeco là Habeco cũng đã lên sàn Upcom vào cuối tháng 10.2016, cổ phiếu của Habeco đã tăng kỷ lục đến 100-200% chỉ trong một số phiên giao dịch sau khi lên sàn. Ở mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu của Sabeco sau khi lên sàn có thể sẽ còn vượt xa con số này. Chỉ tính trong ngày 30.11, cổ phiếu của Sabeco giao dịch trên sàn OTC đã ở mức 160.000 -168.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn gấp đôi so với khi chưa có thông tin niêm yết. Bên cạnh đó, mức cổ tức hằng năm mà Sabeco chi trả đều ở mức khá cao. Điển hình, Sabeco đã chia cổ tức năm 2014 bằng tiền tỷ lệ 30% vốn điều lệ cho cổ đông và dự kiến sẽ duy trì mức này cho các năm tiếp theo.
    Nếu theo mức giá 110.000 đồng/cổ phiếu, quy mô vốn hóa của Sabeco ước đạt 3,18 tỉ USD. Tương ứng với P/E khoảng 18,7 lần. So sánh các chỉ số tài chính khác như ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu), ROA (lợi nhuận/tài sản), Sabeco cũng nổi bật như ROA 2015 của Sabeco là 16,7%, ROE là 25,6%.
    Có thể thấy, Sabeco đang có những lợi thế nhất định so với các đối thủ khác. Với lịch sử phát triển hơn trăm năm, các thương hiệu bia truyền thống như 333, Saigon đỏ, Saigon Special… đã ăn sâu trong tiềm thức người tiêu dùng Việt ở phân khúc tầm trung. Ngoài việc phủ kín khu vực miền Nam, sản lượng tiêu thụ của Sabeco tăng trưởng đều tại tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc. Đặc biệt là dòng Saigon Special được người dân các tỉnh phía Bắc ưa chuộng, tăng trưởng hằng năm hai con số.
    Mặc dù, Sabeco còn chiếm tỷ lệ thấp trong phân khúc cao cấp so với các đối thủ ngoại. Tuy nhiên trong báo cáo của Nielsen cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, ở phân khúc cao cấp và đặc biệt là khu vực thành thị, Sabeco đạt 10,9% thị phần, tăng 1,7 điểm phần trăm so với 9,2% năm ngoái.
    Đáng chú ý, Sabeco đã tạo bức tranh kinh doanh tăng trưởng khả quan như thế suốt nhiều năm qua và chính thức trở thành doanh nghiệp tỉ đô từ năm 2012. Với tiềm năng của ngành bia, thị phần hiện đứng đầu, hoạt động kinh doanh của Sabeco dự báo sẽ còn tăng trưởng, mạng lưới phân phối rộng khắp của Sabeco, với 23 công ty con, 17 công ty liên kết và 5 liên doanh là đích nhắm tới của các nhà sản xuất bia lớn trên thế giới.
    Tuy nhiên, ngoài những khó khăn đối mặt với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như các đối thủ trong ngành Sabeco còn bị áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại. Để tiếp tục dẫn đầu thị phần Sabeco chắc chắn sẽ có nhiều việc phải làm. Đặc biệt, bên cạnh việc giữ vững và tăng trưởng tại phân khúc phổ thông, Sabeco sẽ tập trung nguồn lực để cạnh tranh tại phân khúc cao cấp và cận cao cấp, trong đó hướng vào tầng lớp khách hàng trẻ và năng động bằng việc đa dạng hóa các dòng sản phẩm. Cùng với đó là quá trình đổi mới trong các chiến dịch quảng bá, marketing và bán hàng… Chẳng hạn, trong hoạt động đầu tư công nghệ sản xuất, bao bì sản phẩm, hãng đã giám sát chặt và đẩy nhanh tiến độ dự án thay đổi bao bì, điều chỉnh hình ảnh nhận diện cho một số nhãn nhằm phục vụ chiến lược làm mới bao bì, mẫu mã các sản phẩm Bia Saigon để tăng khả năng cạnh tranh. Trong năm 2016, Sabeco đã làm mới nhận diện hình ảnh của 2 dòng sản phẩm chủ lực là Saigon Special và 333 và rất được thị trường đón nhận, góp phần vào kết quả kinh doanh ấn tượng của Sabeco năm 2016.
    A.D
    Theo Trí Thức Trẻ
    Share on Google Plus

    About kinh doanh và công nghệ

    This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
      Blogger Comment
      Facebook Comment

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét