Bạn cho rằng iPhone là thứ quan trọng nhất với Apple? Có lẽ, điều này cần phải xem lại bởi iPhone hay iPad cũng chỉ là thứ yếu trong chiến lược của “táo khuyết”.
Tim Bajarin, một nhà cố vấn, phân tích công nghệ kỳ cựu, vừa có bài viết về chiến lược của Apple. Trong đó, ông làm sáng tỏ một số vấn đề cần phải tìm hiểu trước khi nói đến nhà sản xuất iPhone.
Vài năm trước khi đồng sáng lập Sony Akio Morita qua đời, Bajarin đã phỏng vấn ông về quyết định mua hãng phim. Theo ông Morita, “phim và ảnh chỉ là nội dung”, và Sony muốn sở hữu nội dung cho thiết bị của mình.
Lối suy nghĩ của ông Morita có ảnh hưởng khá lớn đến Steve Jobs, CEO quá cố của Apple, người luôn đánh giá cao Moria. Thực tế, chuyên gia Bajarin tin rằng nó đặt nền tảng cho chiến lược Jobs đặt ra cho Apple, đặc biệt sau khi ông quay lại công ty năm 1997 và bắt đầu giám sát các dự án như iPod, iPhone.
Cách tiếp cận ưu tiên nội dung vẫn rõ mồn một trong việc ra quyết định của Apple ngày nay. Apple về cơ bản là công ty đặt hệ điều hành và giao diện người dùng lên hàng đầu, tiếp theo mới là phần cứng. Giao diện người dùng cũng là một loại nội dung.
Phần cứng đúng là vô cùng quan trọng với Apple khi chiếm phần lớn doanh thu. Song, với họ, phần cứng chỉ đơn giản là phương tiện chuyên chở các sản phẩm khác, chẳng hạn giao diện, ứng dụng và dịch vụ. Kết hợp cùng nhau, chúng tạo ra trải nghiệm đa nền tảng phong phú, cho phép người dùng luôn đồng bộ được các thiết bị và cập nhật.
Khi Apple ra iPhone đầu tiên năm 2007, Phil Schiller, hiện là Phó Chủ tịch Tiếp thị, cho ông Bajarin xem thiết bị gốc. Khi tắt máy, đặt lên bàn và hỏi ông nhìn thấy gì, Bajarin đáp nó chỉ là một miếng kim loại với màn hình kính. Câu trả lời của Schiller là: “Nó là một miếng kính để Apple mang đến phần mềm hấp dẫn”.
Câu chuyện ấy đã hình thành nhận thức của Bajarin về Apple. Với Apple, iPhone chỉ là khung vải trống để họ họa ra các bức tranh. Tất cả thiết bị đến mức độ nào đó đều chỉ là “vải trống” nhưng không đối thủ nào của Apple có thể cung cấp mức độ đồng nhất như Apple. Thế giới Android chịu đựng sự phân mảnh bởi vô số phần cứng và phần mềm có sẵn.
Chúng ta đều biết Apple đã đột phá thị trường PC như thế nào với Mac khi giới thiệu giao diện đồ họa người dùng và chuột đến số đông khán giả lần đầu tiên. Chúng ta cũng biết Apple làm cuộc cách mạng trên thị trường nhạc số với iPod và thị trường di động với iPhone. Trong khi đó, iPad lại làm cho phân khúc máy tính bảng trở nên phổ biến. Tất cả chúng đều có chung một đặc điểm là phần cứng mạnh mẽ, nhưng quan trọng hơn, đó là giao diện, ứng dụng và dịch vụ mà mọi người ưa chuộng.
Apple TV cũng đi theo chiến lược này. Khi xuất hiện năm 2006, nó chỉ được xem như một thú vui. Song, từ đó đến nay, thiết bị bán được hàng chục triệu máy và không ngừng được cải tiến. Ngoài doanh số, Apple TV giúp cho nỗ lực phát minh lại tivi của Apple tiến triển. Steve Jobs có thể đã vạch ra ý tưởng về một mẫu tivi thực sự và tin đồn Apple sản xuất tivi chưa bao giờ nguội. Dù vậy, không thể phủ nhận set-top box Apple TV có giao diện đơn giản hơn so với phần lớn tivi. Như các thiết bị khác của Apple, nó dùng tivi như một khung vải trống.
Trong lúc này, ứng dụng tivi mới lại là nỗ lực khác nhằm tạo ra nền tảng phát video trên mọi màn hình mà Apple cung cấp với giao diện vô cùng dễ hiểu, khả năng điều khiển giọng nói và tính năng đám mây. Thay vì sản xuất một mẫu tivi đơn lẻ, Apple biến những thiết bị sẵn có thành tivi “bán thời gian”.
Nói một cách dễ hiểu, cẩm nang của Apple rất dễ đoán: Thiết bị phần cứng phục vụ như một tấm vải trắng để công ty tùy thích đưa phần mềm, dịch vụ và giao diện – những viên ngọc quý đích thực – lên. Nếu có gì bí mật trong chiến lược, đó chính là Apple quyết định sản xuất loại vải trắng nào.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét