Không chỉ gây bão vì giá cổ phiếu tăng kỷ lục, Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) còn có một báo cáo kiểm toán kỳ lạ

Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam gọi báo cáo kiểm toán này là “kiểm toán mỳ ăn liền” khi chỉ 11 ngày, công ty đã có báo cáo kiểm toán hợp nhất, nhưng lại chứa nhiều chi tiết kỳ lạ. 

Không chỉ gây bão vì giá cổ phiếu tăng kỷ lục, Nông nghiệp và thực phẩm Hà Nội - Kinh Bắc (HKB) còn có một báo cáo kiểm toán kỳ lạ
CTCP Nông nghiệp và Thực phẩm Hà Nội – Kinh Bắc (mã chứng khoán: HKB ) và đơn vị kiểm toán đang được giới kiểm toán “trầm trồ” bởi đưa ra được báo cáo kiểm toán với tốc độ thần tốc. Ngày 21/03/2017, Công ty có công văn gửi UBCK về việc thay đổi công ty kiểm toán cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016 với nội dung ngày 20/03 đã ký hợp đồng thay thế công ty kiểm toán: Từ công ty TNHH PKF Việt Nam sang công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội.
Đến ngày 31/03/2017, trên website của Công ty đã công bố báo cáo kiểm toán cho báo cáo tài chính riêng và báo cáo hợp nhất với 03 công ty con của HKB tại thời điểm 31/12/2016. Tức là chỉ sau 11 ngày, HKB đã có được báo cáo kiểm toán không chỉ của công ty mẹ mà còn có báo cáo của các công ty con kèm theo báo cáo hợp nhất.
Ông Phan Lê Thành Long - Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam gọi báo cáo kiểm toán này là “kiểm toán mỳ ăn liền”.
Dưới góc độ một người sử dụng báo cáo tài chính, không bàn đến chất lượng kiểm toán tới đâu, chúng ta hãy cùng nhìn lại hiệu quả thông tin mà báo cáo này đưa tới người đọc.
Sự sai lệch về ngày tháng và chính tả
Báo cáo của Ban Giám đốc cho báo cáo hợp nhất đề ngày 20/01/2017 nhưng báo cáo của Ban Giám đốc cho báo cáo riêng lại 5 ngày sau, tức 25/01/2017.
Xét tiếp về mặt trình bày, chỉ bằng mặt cảm quan cũng đã tạo cho người đọc một cảm giác vội vã khi thấy còn khá nhiều sai sót về mặt đánh số thứ tự và chính tả, đơn giản như Mục IV rồi tới luôn mục VI. Báo cáo KQKD đặt số thứ tự thuyết minh là mục V, tuy nhiên phần thuyết minh trình bày là mục VII, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cùng chỉ tới VI.6 nhưng đố ai có thể tìm được thuyết minh cho hai loại chi phí này ở đâu… và nhiều chi tiết khác tương tự.
2 công ty con có lợi nhuận lớn kỳ lạ
Không giống như các doanh nghiệp khác, BCTC hợp nhất của HKB không hề đề cập đến danh sách các công ty con và tỷ lệ sở hữu, tỷ lệ biểu quyết cụ thể.
Trong khi đó, sau khi hợp nhất, doanh thu của HKB tăng thêm 132 tỷ đồng và lợi nhuận gộp tăng thêm hơn 76 tỷ đồng. Một mức tăng lợi nhuận “khủng” khi các công ty con này mới chỉ được hợp nhất trong khoảng 2 tháng do tháng 10/2016, công ty mới có thông báo về chủ trương đầu tư và chuyển đổi khoản hợp tác đầu tư sang góp vốn. Cụ thể, ngày 5/10/2016 Hội đồng quản trị HKB đã thông qua Nghị quyết về việc góp vốn 410 tỷ đồng, thâu tóm và nắm quyền chi phối tại Công ty CP Nông nghiệp Lumex Việt Nam và Công ty CP Nông nghiệp Hưng Lộc Phát Gia Lai. Thông qua hai Công ty con này, HKB sẽ nắm toàn quyền sử dụng với quỹ đất 546,5 ha (tại Đắc Lắc, thời hạn sử dụng 50 năm) và dự án “Đầu tư trồng 500 ha cây hồ tiêu kết hợp xen canh trồng cây rừng ngắn hạn lấy gỗ”.
Không rõ việc tăng doanh thu và siêu lợi nhuận gộp này được hình thành ra sao nhưng nếu thực sự đúng thì đây là những công ty con tốn rất ít chi phí bán hàng và quản lý.
Một vấn đề khác, trong Bảng CĐKT hợp nhất ghi nhận gần 448 tỷ đồng lợi thế thương mại, phần lớn đến từ “Tấn Hưng thông qua Lumex” với 314 tỷ đồng. Làm thế nào tính ra được con số này và từ thời điểm nào? Thuyết minh BCTC không nêu ra điều đó.
Dấu hỏi tại dây chuyền sản xuất hồ tiêu
Không rõ nguyên nhân vì sao, giá trị xây dựng tổ hợp nhà kho chứa hàng hóa lại được trình bày là Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trong khi đáng lý, nếu theo đúng như tên gọi trên thì sẽ phải là Xây dựng cơ bản dở dang dài hạn. Báo cáo trước kiểm toán của Công ty thể hiện rõ khoản này bao gồm hệ thống kho chứa nông sản HNKB-QN (31 tỷ), Dây chuyền sản xuất tiêu (3,9 tỷ), lãi vay vốn hóa (2,8 tỷ) và xây dựng dự án tổ hợp sản xuất nông sản và thực phẩm Gia Lai (514 triệu).
Đáng chú ý hơn, trong thư giải trình lợi nhuận quý 3 của Công ty, đơn vị này đã giải thích lợi nhuận sau thuế tăng 445% so với cùng kỳ năm 2016 là nhờ doanh nghiệp đã đưa dây chuyền sản xuất chế biến hồ tiêu cao cấp vào hoạt động.
Dây chuyền hồ tiêu thực sự là một cơn gió mạnh mẽ tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhưng giá trị xây dựng cơ bản dở dang của dây chuyền hồ tiêu lại vẫn đứng yên trên mục xây dựng cơ bản dở dang (3,9 tỷ). Giả sử Công ty mua mới một dây chuyền hồ tiêu khác và chuyển thành tài sản ngay trong năm thì vẫn lạ, khi lưu chuyển tiền tệ chỉ thể hiện giá trị tiền chi mua sắm tài sản cố định là 1,3 tỷ cộng với toàn bộ số dư phải trả cho nhà cung cấp cuối năm là 13 tỷ. Những con số này cũng chưa phù hợp lắm với giá trị 17 tỷ tăng của tài sản cố định hữu hình.
Doanh thu và chi phí của Công ty biến động mạnh qua các quý là một trong những điểm đáng chú ý lớn trong số liệu báo cáo. Doanh thu quý 4 năm 2016 tăng gấp 117% so với quý 3. Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty từ qúy 1 mới chỉ có 4% đã tăng lên 17% trong quý 3 và 29% trong quý 4/2016.
Tới thuyết minh vay và nợ thuê tài chính, người đọc lại không thể không thắc mắc về việc liệu Công ty đã thực hiện phân loại lại giá trị tới hạn của các khoản vay dài hạn hay chưa? Bởi lẽ thuyết minh này của HKB không có mục nào là giá trị các khoản vay tới hạn mà thay vào đó là một khoản “vay khác” 51 tỷ.
Chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố lại là một điểm khó hiểu khác trong báo cáo tài chính hợp nhất. Trong khi giá vốn đạt 632 tỷ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp khoảng 32 tỷ, tổng giá trị các loại chi phí trong kỳ là 664 tỷ thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố vỏn vẹn là 30,2 tỷ (theo thông tư 200/2014/TT-BTC, chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố bao gồm số dư 621- chi phí nguyên vật liệu, 622- chi phí nhân công, 627- chi phí sản xuất chung, 641 – chi phí bán hàng và 642 – chi phí quản lý doanh nghiệp).
Trên đây chỉ là những điểm mà người đọc có thể thấy ngay khi nhìn vào BCTC của HKB. Nhà đầu tư đang mong được giải đáp kỹ hơn về các vấn đề còn gây khó hiểu này, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi nhận được phản hồi. Khi niềm tin của nhà đầu tư đến từ những báo cáo kiểm toán, thì họ đều hy vọng báo cáo ấy sẽ không dẫn tới quá nhiều câu hỏi khi sử dụng.
Share on Google Plus

About kinh doanh và công nghệ

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét