Trước sức ép kinh tế và quân sự dồn dập từ Moscow, Ankara phải chính thức xin lỗi về vụ bắn rơi Su-24 Nga hồi cuối năm ngoái.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters
Trong bức thư gửi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ hối hận về vụ tiêm kích F-16 của nước này bắn rơi máy bay Su-24 Nga vào tháng 11/2015 ở khu vực gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, theo New York Times.
Một đoạn clip phát sóng sau đó trên đài truyền hình nhà nước Nga cho thấy những phiến quân người Turk ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn chết một phi công Nga sau khi người này nhảy dù từ chiếc máy bay bốc cháy.
Tổng thống Putin đã gọi hành động bắn máy bay Su-24 của Thổ Nhĩ Kỳ là "một nhát đâm sau lưng do những kẻ đồng lõa với khủng bố thực hiện".
Vụ việc khiến Nga nổi giận và thực thi các biện pháp trừng phạt, như ra lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, ngừng chế độ miễn thị thực thăm viếng đối với công dân nước này, đồng thời cấm các hãng lữ hành Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp tour cho du khách Nga. Nhiều tháng sau, Moscow liên tục yêu cầu ông Erdogan xin lỗi và phải truy tố kẻ bắn chết phi công Nga.
Sau sự cố này, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố quyết không xin lỗi vì cho rằng chiếc cường kích Su-24 xâm phạm không phận, nhưng phía Nga bác bỏ cáo buộc này. Thế nhưng, có vẻ như Ankara đã phải chịu sức ép quá lớn từ Moscow, và cuối cùng phải đưa ra lời xin lỗi như một động thái nhượng bộ.
Trong bức thư gửi ông Putin, Tổng thống Erdogan nói rằng ông "chia sẻ nỗi đau với gia đình của phi công bị bắn chết và gửi lời chia buồn đến họ", đồng thời "mong họ tha lỗi".
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 27/6 cũng thông báo sẽ truy tố Alparslan Celik, nghi phạm sát hại phi công Nga Oleg Peshkov sau khi Su-24 bị bắn rơi. Cùng ngày, hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn lời Thủ tướng Binali Yildiri thông báo Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Nga Putin sẽ sớm trao đổi qua điện thoại sau động thái gửi thư xin lỗi. "Nội dung lá thư rất rõ ràng. Chúng tôi bày tỏ niềm hối hận... Chúng tôi nói rằng sẽ bồi thường nếu cần thiết".
Bị cô lập
Su-24 Nga bốc cháy sau khi trúng tên lửa từ tiêm kích Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2015. Ảnh: Haberturk TV
Giới quan sát đánh giá ông Erdogan hiện rơi vào tình thế bị cô lập ngoại giao bởi theo đuổi lập trường ngày càng độc đoán, đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với châu Âu vì cuộc khủng hoảng người tị nạn và thực thi chính sách ngoại giao phô diễn sức mạnh mới, trong đó có cả chiến lược thất bại ở Syria.
Động thái chủ động tiếp cận Nga có thể được xem như một nỗ lực nhằm khắc phục một số tổn hại do chính sách ngoại giao của ông gây ra.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang nếm trải cảm giác bị cô lập trong vài năm qua sau khi chuyển từ trạng thái 'không bất hòa với các nước láng giềng' sang tình thế không có láng giềng nào không tồn tại vấn đề với Thổ Nhĩ Kỳ'", Asli Aydintasbas, chuyên gia từ Hội đồng châu Âu về Đối ngoại, nhận xét.
"Đây là thời điểm cô đơn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ vì dường như chỉ có Qatar và Arab Saudi là những người bạn thực sự của nước này", bà Aydintasbas nói.
Dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng thiết lập quan hệ hữu nghị với các nước Hồi giáo láng giềng, một động thái thay đổi so với trước đây. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Ankara đã tính toán sai lầm, đặc biệt là ở Syria với cuộc vận động lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Ankara cũng bị chỉ trích vì để các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) di chuyển thoải mái giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Đối với trường hợp của Nga, lợi ích kinh tế đã lấn át lập trường chính trị, bà Aydintasbas nhận định. Giao thương giữa hai nước mang lại nhiều lợi ích hơn cho Nga, chủ yếu vì Moscow có thể bán một lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn cho Ankara. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hưởng lợi không kém với hơn ba triệu du khách Nga tới nước này mỗi năm. Đây là nhóm du khách nước ngoài lớn thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ sau Đức. Sự vắng mặt của dòng khách Nga gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ với con số doanh thu thâm hụt lên đến hàng tỷ USD.
Theo Soner Cagaptay, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Viện Washington về Chính sách Cận Đông, áp lực khủng khiếp từ mọi mặt của Nga đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu khuất phục.
"Nga đã tạo sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ cả về mặt quân sự lẫn tình báo và không gian mạng kể từ biến cố rơi máy bay hồi tháng 11/2015. Điều này khiến ông Erdogan vô cùng lo lắng", Cagaptay nói.
Củng cố hình ảnh
Theo bình luận viên Sabrina Tavernise từ New York Times, phong cách lãnh đạo ngày càng độc đoán của ông Erdogan, đặt ông đứng trước làn sóng chỉ trích của những người theo khuynh hướng tự do trong nước và cả một số đồng minh nước ngoài.
Giới chuyên gia suy đoán hành động xuống nước với Nga của ông Erdogan chủ yếu nhằm thay đổi lập trường đối ngoại để củng cố hình ảnh và quyền lực.
Nỗ lực hàn gắn quan hệ với Nga diễn ra cùng ngày Thổ Nhĩ Kỳ và Israel thông báo thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ, chấm dứt 6 năm rạn nứt trầm trọng giữa hai nước từng là đồng minh thân cận.
Quan hệ đôi bên đổ vỡ sau cuộc đột kích của binh sĩ Israel hồi năm 2010 nhằm vào tàu Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ đang chở hàng cứu trợ đến dải Gaza, khiến 10 nhà hoạt động thiệt mạng.
Louis Fishman, giáo sư từ Đại học Brooklyn, Mỹ, cho rằng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc nối lại quan hệ với Israel "không chỉ vì thỏa thuận khí đốt mà đây thực chất còn là một nỗ lực để khôi phục sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực".
"Hàn gắn quan hệ với Israel và Nga là yêu cầu sống còn đối với sự tồn tại của Thổ Nhĩ Kỳ", bà Aydintasbas đánh giá.
"Đảng Phát triển và Công lý của Tổng thống Erdogan, đứng trước phong trào nổi dậy của người Kurd thiểu số trong nước và một nền kinh tế yếu ớt với một danh sách dài kẻ thù, khó có thể cai trị nổi đất nước", bà Aydintasbas bình luận.
"Chúng ta đang nhìn thấy những đường nét của chủ nghĩa thực dụng ở ông Erdogan. Giờ đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể nói rằng: 'Nhìn xem, chúng tôi đang cải thiện quan hệ với các láng giềng. Chúng tôi đang đi đúng hướng'", Cengiz Candar, học giả từ Viện nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đại học Stockholm, Thụy Điển, nhận xét.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét