Tòa ba lần mở phiên xử thì ba lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì căn cứ kết tội không chắc chắn, nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ, bị cáo đầu vụ có chứng cứ ngoại phạm…
Ba bị cáo Ca, Nhựt, Khang (từ trái qua) tại phiên tòa ngày 23-6. Ảnh: PL
Chiều 23-6, TAND huyện Cái Nước (Cà Mau) đã tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ Lê Minh Nhựt, Nguyễn Hoàng Khang, Nguyễn Vũ Ca bị truy tố về tội cướp tài sản. Đây là lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung thứ ba của tòa này sau khi đã mở phiên xử.
Bị bắt vì mặc áo đỏ
Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, đây là vụ án có dấu hiệu oan từng gây xôn xao dư luận địa phương thời gian qua.
Theo hồ sơ, 22 giờ ngày 2-6-2015, một người đàn ông đi xe máy qua cầu Lương Thế Trân (xã Lương Thế Trân, Cái Nước) thì bị ba thanh niên lạ mặt cúp đầu xe đánh tới tấp. Một thanh niên mặc áo đỏ đã dùng vật nhọn đâm vào vai nạn nhân, cướp chiếc ĐTDĐ trị giá 3,7 triệu đồng rồi tẩu thoát.
Gần 23 giờ cùng ngày, nạn nhân chạy ngang một quán nhậu ở xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau, cách hiện trường vụ cướp 3 km) thì thấy một thanh niên mặc áo thun màu đỏ đang ngồi nhậu cùng hai thanh niên khác nên nghi ngờ, báo công an. Ngay sau đó, Nhựt (mặc áo đỏ, khi đó mới hơn 16 tuổi, học lớp 10), Ca (20 tuổi) và Khang (21 tuổi) bị áp giải về trụ sở công an xã.
Cả ba sau đó bị khởi tố, truy tố về tội cướp tài sản theo khoản 2 Điều 133 BLHS. Nhựt bị CQĐT công an huyện, VKS huyện cáo buộc sau khi uống ba chai bia đã rủ Ca, Khang dừng tiệc nhậu, để bia, mồi đó, đi ra cầu cướp xong về... nhậu tiếp.
Thụ lý, TAND huyện Cái Nước hai lần mở phiên tòa nhưng đều trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì ba bị cáo kêu oan, khai bị công an xã đánh, ép nhận tội ngay từ lúc mới bị bắt. Mặt khác, tòa yêu cầu làm rõ các sai sót như tước quyền giám hộ của cha mẹ Nhựt và nhờ người khác; không thông báo việc bắt tạm giam Nhựt cho cha mẹ Nhựt. Biên bản ghi lời khai ban đầu tại công an xã thể hiện cùng một thời điểm nhưng có hai cán bộ khác nhau trực tiếp lấy lời khai một người nhưng nội dung hai biên bản này lại trái ngược nhau...
Ngoài ra, một số nội dung khác cũng cần làm rõ như các cuộc điện thoại trao đổi của các bị cáo với nhau trong đêm xảy ra vụ cướp (sau này CQĐT không xác minh được). Cáo trạng ghi nhận các bị cáo dùng thanh gỗ, cây kéo tấn công nạn nhân nhưng CQĐT không thu giữ được tang vật, cũng không thu giữ được chiếc ĐTDĐ bị cướp…
Bị cáo đầu vụ có chứng cứ ngoại phạm
Tại phiên xử lần này, thẩm phán chủ tọa nhẹ nhàng đặt câu hỏi để các bị cáo bình tĩnh nhớ lại và lý giải vì sao trước đây nhận tội, ra tòa lại kêu oan.
Bị cáo Ca khai: “Con bị công an xã đánh ho ra máu. Khi làm việc tại công an xã vào ban đêm, do con kêu oan nên bị chở vào một con đường vắng để đánh, ép nhận tội, sau đó quay lại trụ sở lập biên bản”. Bị cáo Khang trình bày: “Bị cáo bị ép nhận ở xã rồi nên lên huyện có kêu oan cũng không ai tin”.
Riêng bị cáo Nhựt bị công an xã lấy lời khai suốt đêm trong khi không có người giám hộ ở bên cạnh. Nhựt trình bày: “Hằng ngày, khoảng 5 giờ chiều, con đi bộ từ nhà trọ đến quán phụ chạy bàn kiếm thêm tiền ăn học. Con không biết gì về vụ cướp. Con bị oan, chú Tý ở xã đánh con, kêu con nhận tội sẽ cho về”.
Chủ quán nhậu xác nhận Nhựt ngoại phạm: “Tôi khẳng định Nhựt vừa chạy bàn vừa nhậu cùng hai người bạn”. Các nhân chứng khác gồm vợ chủ quán, quản lý quán, nhân viên phục vụ đều xác nhận họ vẫn nhìn thấy Nhựt bưng bê đồ ăn cho khách tại quán nhậu.
Lời khai của nạn nhân có nhiều bất nhất: Lúc khai ba bị cáo đánh xong, lấy điện thoại rồi cùng bỏ chạy, lúc nói hai người chạy trước, còn người đâm mình lấy điện thoại chạy sau. Cáo trạng thể hiện ba thanh niên chặn đầu xe rồi nhào vào đánh nạn nhân nhưng trước tòa, nạn nhân khai bị ba đối tượng tông thẳng vào giữa xe máy khiến xe ngã đè lên chân mình…
HĐXX và luật sư của ba bị cáo đặt vấn đề: Thời gian Nhựt đi bộ về nhà lấy xe, chạy đi cướp, chạy tìm cây gỗ, rồi đánh cướp, đem điện thoại cướp được đi bán giữa đêm khuya, về nhà cất xe máy rồi trở về quán tiếp tục ăn nhậu là bao lâu? Lời khai của nạn nhân thì bất nhất về thời gian vụ cướp xảy ra, trong khi các bị cáo khai suốt đêm đó ở quán nhậu. Trả lời, đại diện VKS nói các bị cáo chạy trong “tư thế ăn cướp” nên… chạy rất nhanh nhưng cũng không xác định được thời gian vụ cướp là bao lâu.
Cạnh đó, theo các luật sư, chiếc ĐTDĐ của Nhựt có thể là nguồn chứng cứ giải oan đối với ba bị cáo bởi nó ghi nhận các dữ liệu về thời gian gọi điện thoại hẹn nhậu giữa họ nhưng tất cả dữ liệu điện thoại trong ngày xảy ra vụ cướp đã bị xóa. Đại diện VKS lại cho rằng việc để chiếc điện thoại ngoài hồ sơ vụ án là có căn cứ pháp luật.
Cuối cùng, sau ba ngày xét xử (16, 17, 20-6), đại diện VKS huyện vẫn đề nghị tòa phạt tù Nhựt 7-8 năm tù, Ca và Khang mỗi người 3-4 năm tù. Nói lời sau cùng, ba bị cáo đều tiếp tục kêu oan. Tòa tuyên bố nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều 23-6. Nhưng đến giờ tuyên án, tòa quay trở lại phần hỏi, sau đó quyết định trả hồ sơ để làm rõ thời gian bắt ba bị cáo, ai sử dụng ĐTDĐ của Nhựt sau khi thu giữ, vì sao chiếc điện thoại này lại bị mất hết dữ liệu…
HĐXX chỉ đề nghị VKS cho bị cáo tại ngoại
Khi trả hồ sơ, tòa cũng đề nghị VKS thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho ba bị cáo được tại ngoại điều tra.
Về chuyện này, luật sư Trần Thị Ánh bào chữa cho Nhựt cho rằng tòa hoàn toàn có quyền quyết định cho ba bị cáo tại ngoại chứ không chỉ đề nghị VKS. “Khi bị bắt, Nhựt đang học lớp 10, tha thiết được về nhà để kịp đi học lại trong năm học mới. Cha mẹ của Nhựt và chúng tôi nhiều lần có đơn xin cho Nhựt tại ngoại để tiếp tục đi học nhưng không được chấp nhận. Vụ án kéo dài, Nhựt dở dang việc học. Đó là điều thật đáng tiếc” - bà Ánh nói.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Hà Thanh Khiết (chủ tọa phiên tòa) lý giải: Theo Điều 227 BLTTHS, HĐXX chỉ có thẩm quyền trả tự do cho bị cáo nếu bị cáo không phạm tội; được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt; bị xử phạt bằng các hình phạt không phải là hình phạt tù; bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo; thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam. Do đó, tại phiên tòa, HĐXX không có thẩm quyền vừa trả hồ sơ vừa cho các bị cáo tại ngoại.
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét